Trong nhiệm kỳ qua, các Ban HĐND tỉnh Cà Mau có nhiều cố gắng để không ngừng cải tiến và nâng cao chất lượng công tác thẩm tra. Từ kết quả những việc làm được và những hạn chế trong công tác thẩm tra, xin nêu 4 vấn đề được rút ra từ thực tiễn công tác thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh như sau:

1. Trước hết, các Ban HĐND phải chủ động chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để phục vụ cho công tác thẩm tra các văn bản trình kỳ họp.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, thành viên các Ban HĐND tỉnh đa số là kiêm nhiệm, sự am hiểu về các lĩnh vực cũng có giới hạn, trong khi các báo cáo, đề án của UBND tỉnh trình mỗi kỳ họp có nhiều nội dung trên nhiều lĩnh vực khác nhau, có những vấn đề mang tính chiến lược lâu dài, có những vấn đề mang tính chuyên môn sâu, thậm chí có vấn đề khá phức tạp và nhạy cảm. Do vậy, để thẩm tra đạt chất lượng trước hết các Ban HĐND phải chủ động chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để phục vụ cho công tác thẩm tra.

Sau khi HĐND ra Nghị quyết về Chương trình xây dựng nghị quyết hàng năm, Thường trực HĐND cần sớm họp liên tịch với UBND và Ủy ban Mặt trận tổ quốc để dự kiến Chương trình kỳ họp, phân công nhiệm vụ thẩm tra cho từng Ban. Trên cơ sở đó, Ban của HĐND có kế hoạch giám sát, khảo sát, tiếp xúc cử tri để nắm tình hình; thường xuyên cập nhật các văn bản hiện hành có liên quan; tham dự các cuộc họp của UBND và cơ quan soạn thảo; phân công thành viên Ban và chuyên viên Văn phòng có khả năng và điều kiện tiếp cận vấn đề; tranh thủ ý kiến các cá nhân có am hiểu sâu về nội dung thẩm tra…có vậy, Ban mới có điều kiện nắm chắc vấn đề, hiểu sâu vấn đề và khi đến hội nghị thẩm tra mới có nguồn thông tin phong phú, đa chiều, các ý kiến phản biện mới có đủ căn cứ để đánh giá xác đáng và đề xuất giải pháp phù hợp và cũng từ đó báo cáo thẩm tra của Ban sẽ cung cấp được nhiều thông tin bổ ích, giúp cho đại biểu HĐND có đủ căn cứ để xem xét, quyết nghị tại kỳ họp.

2. Các cơ quan chức năng của UBND phải tuân thủ đúng trình tự, thủ tục và thời gian trong quá trình soạn thảo, thẩm định.

Theo quy định, các văn bản trình kỳ họp phải được tiến hành theo đúng trình tự như: lập chương trình xây dựng Nghị quyết của HĐND, phân công cơ quan soạn thảo; tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan và đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản; thẩm định của Sở Tư pháp; thông qua tập thể UBND; thẩm tra của Ban và Thường trực HĐND…

Trong những năm đầu nhiệm kỳ, có nhiều trường hợp thực hiện không đúng quy định trên, ví như: gần đến kỳ họp UBND mới yêu cầu xin thông qua báo cáo, đề án và dự thảo nghị quyết, trong khi nội dung này không có trong danh mục ban hành nghị quyết đã được HĐND thông qua, nhưng do yêu cầu cần thiết và tính bức xúc của vấn đề buộc phải chấp nhận bổ sung danh mục ban hành nghị quyết, dẫn đến sự cập rập trong soạn thảo văn bản, bị động trong công tác thẩm định và thẩm tra, nên chất lượng của các văn bản trình và công tác thẩm tra không được đảm bảo. Mặt khác, cũng có khá nhiều trường hợp việc lấy ý kiến góp ý vào dự thảo văn bản không được cơ quan soạn thảo thực hiện nghiêm túc như: lấy ý kiến không đúng, không đủ đối tượng, nội dung lấy ý kiến chung chung, mang tính hình thức… đến khi thẩm tra mới phát hiện sai sót đó buộc cơ quan soạn thảo phải vội vã tổ chức lấy ý kiến lại trong khi kỳ họp đã gần kề. Hoặc trong thực tế cũng có nhiều trường hợp tài liệu gửi thẩm tra rất chậm trễ, có những văn bản đến ngày hội nghị thẩm tra của Ban mới gửi tới đại biểu, những trường hợp đó Ban kiên quyết từ chối không tổ chức thẩm tra.

Thực trạng đó cho thấy, nếu cơ quan trình, cơ quan soạn thảo thực hiện đúng trình tự, thủ tục và thời gian theo quy định thì đó cũng là nhân tố quan trọng góp phần đảm bảo cho các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết đạt chất lượng và thuận lợi trong công tác thẩm tra. Để khắc phục những hạn chế đó, bên cạnh sự nỗ lực điều hành của UBND, của các cơ quan chức năng thì các Ban của HĐND cũng phải thường xuyên nắm thông tin từ các cơ quan soạn thảo, kịp thời phát hiện và đề xuất sớm khắc phục những lệch lạc nhằm đảm bảo cho các văn bản thông qua HĐND tuân thủ đúng trình tự, thủ tục và thời gian theo luật định.

(Còn tiếp)

Chung Tấn Hướng